BÒ SỮA BỊ VÔ SINH TẠM THỜI DO NHỮNG NGUYÊN NHÂN CHỦ YẾU NÀO?
Vô sinh tạm thời ở bò sữa là một vấn đề thường gặp, gây ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả kinh tế của đàn bò. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cơ bản về các nguyên nhân chủ yếu gây vô sinh tạm thời ở bò sữa, từ đó giúp bạn có biện pháp phòng ngừa và khắc phục hiệu quả.
Trong chăn nuôi bò sữa, muốn bò cái có sữa, phải cho bò đẻ và khai thác sữa quãng 300-305 ngày. Trong thời kỳ cho sữa, bò cái phải được phối giống thụ thai để tiếp tục sinh đẻ rồi cho sữa tiếp.
Trong thực tế, quá trình sinh sản của bò sữa bị tác động bởi nhiều nguyên nhân, nhất là đối với những bò cái sữa có tỉ lệ máu ngoại cao, nếu nuôi dưỡng không đúng, cho nhiều thức ăn tinh rất dễ dẫn đến rối loạn sinh sản. Ngoài ra, có một số nguyên nhân phát sinh từ sau khi sinh bê, dẫn đến hiện tượng vô sinh ở bò sữa. Những trục trặc này đưa lại hậu quả trước tiên làm cho bò không động dục. Một số nguyên nhân dễ xảy ra ở bò sữa sau khi sinh.
1. Sát nhau và sót nhau
- Bò cái nói chung, bò sữa nói riêng, sau khi đẻ bê khoảng 6-8 giờ thì nhau phải ra hết. Nếu đến 12 giờ (thậm chí 24 giờ) mà nhau thai vẫn chưa ra xong, được gọi là sát nhau. Nếu nhau ra không nguyên vẹn (không đủ), là sót nhau. Trong cả 2 trường hợp này, nếu không can thiệp, nhau sẽ thối, gây nhiễm trùng tử cung, không thụ thai được ở lần phối giống tiếp theo.
* Nguyên nhân gây sát nhau:
- Do bệnh nhiễm trùng đặc biệt (sẩy thai truyền nhiễm, xoắn khuẩn leptô, campylobacter, viêm mũi - phế quản truyền nhiễm) và một số vi khuẩn, vi rút khác gây nên trong quá trình mang thai hoặc khi đẻ. Những bệnh này có thể gây sẩy thai và cũng có thể gây sát nhau sau khi bò mẹ đẻ.
- Đẻ song thai, đẻ khó (kể cả thời gian đẻ kéo dài), đẻ mổ;
- Khẩu phần nuôi dưỡng thiếu thức ăn thô xanh, thiếu selen (Se), thiếu vitamin A hoặc vitamin E, quá dư thừa mức năng lượng ăn vào;
- Thời gian cạn sữa kéo dài quá quy định.
2. Viêm tử cung
Dịch thải từ tử cung kéo dài sau đẻ quá 2 tuần hoặc có mùi hôi hám (cổ tử cung luôn mở). Có 3 thể viêm tử cung: viêm nội mạc, viêm cơ và viêm tương mạc. Viêm cơ tử cung là do kế phát của viêm nội mạc và viêm tương mạc là kế phát của viêm cơ tử cung. Khi đã viêm đến tương mạc thì rất khó chữa khỏi, dễ dẫn đến vô sinh vĩnh viễn.
* Nguyên nhân gây viêm nội mạc tử cung:
- Bò sát nhau gây thối hoặc nhiễm trùng đường sinh dục rồi lan vào tử cung;
- Tổn thương đường sinh sản vì đẻ khó hoặc lôi kéo thai bê quá mạnh khi đỡ đẻ (đường sinh dục có thể bị tổn thương khi dẫn tinh hoặc thụt rửa tử cung);
- Trong khẩu phần ăn thiếu Selen và vitamin E.
3. Viêm vú
Bệnh phát sinh ở nhiều loại gia súc, với bò sữa thường xảy ra sau khi đẻ. Khoảng 95% viêm nhiễm là do các loại vi khuẩn (lây truyền qua tay, máy vắt sữa). 5% trường hợp còn lại là do những vi khu ẩn khác. Bệnh còn do vi khuẩn trong môi trường gây nên, như E.coli (có trong phân, nước thải và chất độn chuồng bẩn). Bệnh gây thiệt hại về kinh tế vì sữa biến chất, phải loại bỏ.
* Nguyên nhân gây viêm vú.
- Bệnh do nhiều nguyên nhân, như nhiễm khuẩn trong khi vắt sữa, kế phát của sát nhau, viêm tử cung, sốt sữa, vắt sữa không kiệt, bại liệt sau đẻ, ngộ độc thức ăn.
4. Thể vàng tồn lưu
Vào cuối chu kỳ động dục thể vàng chẳng những không tiêu biến mà còn tồn tại qua nhiều chu kỳ tiếp theo, do đó không động dục trong thời gian dài.
* Nguyên nhân gây thể vàng tồn lưu:
- Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do có những vật thể tồn tại trong tử cung (phôi/thai chết, thai chết ngâm, thai gỗ, u nhầy, tử cung có mủ...).
5. U nang nang trứng
Là 1 hoặc nhiều nang trứng không rụng, do đó lưu lại trong một bên buồng trứng (hoặc cả hai) từ 10 ngày trở lên (có đường kính >2,5cm). Kết quả là làm cho con vật động dục thường xuyên, kéo dài và mãnh liệt (cường dục), có sự thay đổi cân bằng hormon, thay đổi trương lực cơ dạ con, không rụng trứng được. Đôi khi kèm theo viêm nội mạc tử cung.
* Nguyên nhân gây u nang nang trứng:
- Do mức canxi ăn vào quá nhiều hoặc tỉ lệ Ca: P quá lớn (ví dụ 2: 1)
- Do lượng estrogen ăn vào quá nhiều (từ thức ăn hoặc từ độc tố nấm mốc)
- Do di truyền
- Do stress hoặc sức khỏe suy giảm mạnh lúc đẻ hoặc ngay sau khi đẻ
6. Thiểu năng và teo buồng trứng
- Có thể gặp ở nhiều loài gia súc (sinh sản nhiều hoặc già nua)
- Triệu chứng: không động dục kéo dài hoặc động dục yếu và các giai đoạn không rõ ràng. Buồng trứng bé hơn bình thường, không có thể vàng và cũng không có nang trứng phát triển. Sau mỗi đợt 10 ngày sờ khám lại, trạng thái buồng trứng không thay đổi.
* Nguyên nhân gây thiểu năng và teo buồng trứng:
- Do nhiều yếu tố: dinh dưỡng kém, tỉ lệ FSH và LH do tuyến yên tiết ra không cân đối.
► Để giảm thiểu tỷ lệ bò sữa bị vô sinh tạm thời, cần chú ý:
- Phòng bệnh cho bò sữa bằng cách tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cần thiết.
- Chăm sóc sức khỏe cho bò sữa, đảm bảo bò khỏe mạnh, không mắc các bệnh mãn tính.
- Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho bò sữa, đặc biệt là các chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng đối với khả năng sinh sản như vitamin A, vitamin E, selen,...
- Theo dõi sát sao quá trình sinh sản của bò sữa, phát hiện sớm các vấn đề bất thường để có biện pháp xử lý kịp thời.
Cảm ơn các bạn đã và luôn đồng hành cùng DUNGCUNUOIBO.COM
DUNGCUNUOIBO.COM
Địa chỉ: 40 Lâm Thị Hố,P.Tân Chánh Hiệp, Quận 12,TP. Hồ Chí Minh.
Hotline: 0941 844 449
Email: dungcuthuyleanh@gmail.com
Xem thêm